6 nguyên tắc cần “thuộc nằm lòng” để ứng phó khi bão đổ bộ

Leave a Comment
Siêu bão Tembin đang đổ bộ vào khu vực phía Nam với cảnh báo rủi ro tương đương cấp độ 5 - cấp thảm họa. Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã có thông báo cho sinh viên toàn trường được nghỉ học từ 12h trưa nay - ngày 25 đến hết ngày 26/12 và liên tục theo dõi diễn biến bão cũng như những thông báo mới nhất của Nhà trường trong quá trình ứng phó bão. Riêng đối với những sinh viên có lịch thi trong thời gian tránh bão, Phòng Đào tạo - Khảo thí sẽ sắp xếp lịch thi bù và thông báo thời gian cụ thể đến các bạn.
 

Để hạn chế tối đa những tác động xấu của bão, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh khi bão đổ bộ, các bạn sinh viên HUTECH nên lưu ý 6 nguyên tắc dưới đây!
 
1. Liên tục cập nhật thông tin mới nhất của bão
Cần thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin, bản tin cảnh báo về đường đi của bão, hướng đổ bộ, tốc độ di chuyển,... từ các phương tiện thông tin đại chúng để nắm rõ tình hình và chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Lưu ý, nên chọn lọc từ các kênh thông tin chính thống và uy tín, tránh những thông tin không chính xác gây hoang mang cho bạn.

Đặc biệt, các bạn sinh viên HUTECH cần theo dõi những thông tin mới nhất về tình hình bão cũng như thông báo về kế hoạch học tập sau bão cho sinh viên được cập nhật liên tục trên Website và Fanpage chính thức của Nhà trường. 

 
2. Gia cố nhà cửa, chuẩn bị vật dụng cần thiết
Cần gia cố chắc chắn các cửa chính, cửa sổ; bịt kín các khe hở, chằng buộc xung quanh ngôi nhà và chèn các túi cát lên mái nhà nếu cần. Loại bỏ các vật có thể bay xung quanh nhà để phòng trường hợp gió lốc có thể gây nguy hiểm.
Chuẩn bị các vật dụng cần thiết như áo mưa, giày, ủng, đèn pin, pin, dao, búa, kiềm, dầu thắp,...

3. Viết số điện thoại cần thiết ra giấy, bỏ vật dụng quan trọng vào túi nilon
Viết những số liên lạc cần thiết như điện thoại người thân, bệnh viện, công an địa phương vào một cuốn sổ tay nhỏ để tiện mang theo bên mình. Cho tất cả những vật dụng quan trọng, giấy tờ tùy thân vào túi nilon không thấm nước.

4. Sạc pin điện thoại, chuẩn bị pin sạc dự phòng
Sạc pin đầy đủ cho các điện thoại, laptop, pin sạc dự phòng... để phòng trường hợp bị mất điện. Đổ xăng đầy đủ cho tất cả xe cộ trong nhà; rút tiền mặt từ ATM để dễ dàng sử dụng khi cần thiết.

5. Chuẩn bị nước uống, thức ăn và dụng cụ y tế đơn giản
Chuẩn bị đầy đủ nước uống, lương thực, thực phẩm (nhất là các thực phẩm ăn liền như bánh mì, mì gói...) đủ dùng trong khoảng một tuần - đảm bảo nguồn thức ăn để có thể ở nhà trước, trong và sau bão. Cần thường xuyên kiểm tra tình trạng lương thực, nước uống trong nhà.
Chuẩn bị các loại thuốc thông dụng như thuốc cảm, nhức đầu, sổ mũi, dầu gió, dụng cụ sơ cứu đơn giản và để ở những vị trí dễ tìm trong nhà.

6. Rút nguồn thiết bị điện khi bão tới
Khi bão đổ bộ, cần tắt hết các thiết bị điện, rút ăng ten ra khỏi tivi bởi sấm sét có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào. Những nhà nào ở khu vực hay bị ngập úng, hãy di dời các thiết bị điện tử lên khu vực cao hoặc tầng trên, đồng thời ngắt cầu dao ở dưới để tránh chập điện, chúng có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bạn và người thân trong gia đình.
Khi ở nhà, tránh ngồi gần các khu vực cửa kính, cửa sổ,.. để tránh các vật dụng bên ngoài va chạm hoặc gió tốc gây vỡ kính, gây nguy hiểm cho bạn.

Các bạn sinh viên lưu ý, khu vực mà trung tâm bão (hay “mắt bão”) đổ bộ thường khá yên tĩnh, không có mưa to, gió lốc,... nên rất dễ gây chủ quan. Vì vậy, trong thời gian có bão, tuyệt đối không ra ngoài (trừ trường hợp có thông báo khẩn cấp hoặc có yêu cầu từ cơ quan chức năng) để đảm bảo an toàn tối đa.

Phòng Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông

0 nhận xét:

Đăng nhận xét