Đào tạo nguồn nhân lực du lịch cấp cao: Giải quyết yêu cầu thực tiễn

Leave a Comment
Nhân dịp TS. Nguyễn Văn Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục nghề nghiệp, vào giảng dạy Học phần Quản lý Nhà nước về du lịch (QLNNDL) cho lớp cao học (khóa 16 và 17) tại trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), PV Báo Du lịch đã có cuộc phỏng vấn ngay tại lớp về việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch cấp cao.
 

TS Nguyễn Văn Lưu giảng dạy Học phần Quản lý Nhà nước về du lịch cho lớp Cao học khóa 16
tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)

 
Thưa TS, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ sở trong nước đang đóng góp như thế nào cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới?

- Những người đang làm du lịch hiện nay có người được đào tạo nhưng không ít người tự làm, tự đào tạo. Làm việc gì cũng phải có con người, với vai trò quyết định, với điều kiện phải là người đủ năng lực, còn nếu là những người nhưng không biết làm đúng cách sẽ hỏng việc.

 
Việc gửi, cử người đi nước ngoài học tập về du lịch và tiếp cận các chương trình đào tạo chuyên nghiệp trên thế giới là điều tốt, nên làm và chúng ta đã làm. Việc làm này cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành. Nhưng đất nước không đủ nguồn lực để đưa tất cả ra nước ngoài học tập. Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo du lịch trong nước đã có sự đóng góp rất lớn trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực du lịch, làm cho nguồn nhân lực ấy đủ năng lực phát triển du lịch đạt được những thành tựu đáng ghi nhận như vừa qua.
 
Tôi khẳng định rằng, có được nguồn nhân lực du lịch như hiện nay, phải nói đến sự đóng góp rất cơ bản của hơn 300 cơ sở đào tạo du lịch trong nước. Đóng góp của các cơ sở đào tạo du lịch đã làm tăng số lượng lên, nâng cao chất lượng đảm bảo hơn trước và hợp lý dần cơ cấu nguồn nhân lực.

Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã cho phép Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn (HUTECH) đào tạo chuyên ngành Thạc sĩ Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Ông kỳ vọng gì ở lứa học viên đã và đang theo học chương trình Cao học Du lịch đầu tiên ở phía Nam?

 
- Phải khẳng định rằng HUTECH là trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo cao học theo đúng mã ngành về du lịch gồm mã ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành và mã ngành Quản trị Khách sạn, không phải thí điểm đào tạo sau đại học (Mã ngành thí điểm).
 
Trong các kỳ tuyển sinh (khóa Du lịch 15, 16 và 17), tôi thấy rằng: qua học tập và nhất là vừa qua đã có học viên khóa 15 và khóa 16 bảo vệ luận văn thạc sĩ với sự giảng dạy và hướng dẫn của các giảng viên có kinh nghiệm trong và ngoài trường, các tân Thạc sĩ sẽ góp phần vào giải quyết tốt hơn những yêu cầu cấp thiết của thực tiễn phát triển du lịch. Tôi rất kỳ vọng, đây là nhóm nhân lực du lịch chất lượng cao; họ sẽ đóng góp hoặc trực tiếp hay gián tiếp cho ngành Du lịch tốt hơn, vì được đào tạo cao học tại HUTECH.
 
Ví như khóa 16 và 17 khi tiếp cận về chuyên đề QLNNDL, dù phải học trong ngày liên tiếp, nhưng ngoài thời gian trên lớp, buổi tối, học viên còn phải làm việc nhóm về vấn đề đã học, chuẩn bị bài thuyết trình về câu hỏi bốc thăm ngẫu nhiên giao cho nhóm và thuyết trình khá thuyết phục, được giảng viên và các nhóm khác đánh giá tốt nhưng với tính phê phán cao và kỹ cả về sự chuẩn bị, cách thuyết trình, nội dung thuyết trình… cho thấy họ đã đầu tư công sức và trí tuệ vào học tập học phần này và các học phần khác của Chương trình Khóa đào tạo cao học của Nhà trường.
 
Tôi kỳ vọng là học viên khóa này được đúc rút kinh nghiệm từ hai khóa đầu tiên nên sẽ có chất lượng cao hơn và sau tốt nghiệp sẽ đóng góp tốt hơn cho ngành Du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt nhất là ở khu vực phía Nam.
 
Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nam - Trần Lợi thực hiện

0 nhận xét:

Đăng nhận xét